Trang

Thứ Năm, 20 tháng 12, 2012

CÂY SUNG ĐỒNG HỚI - NIỀM VUI, ĐIỀM LÀNH VÀ BẤT KHUẤT


 






Cùng với những người bạn, Ruchung tôi hứng thú đi bộ buổi sáng bên bờ sông Nhật Lệ trăng huyền thoại, ngày ngày, tháng tháng, năm năm, theo nhịp hải hà̀ (Nguyễn Xuân Sanh). Mỗi ngày đi, Ruchung tôi đều bình thản nhìn đất, nhìn trời, nhìn thẳng (Phạm Tiến Duật) mà không thấy gì, bởi muốn giữ cho đầu óc hư vô, thiền tĩnh, đặng thả lỏng cơ bắp khi đi bộ ở thời khắc nguyên đán (buổi sáng đầu tiên-đầu buổi sáng) nguyên sơ. Bỗng một hôm, không biết từ cơ duyên nào, Ruchung tôi chợt nhìn thấy cây sung Đồng Hới mà hàng ngày vẫn nhìn; và sự bàng quan cố hữu của Ruchung tôi thực sự được đánh thức. Theo đó, như có sự thôi thúc từ tiềm thức, Ruchung tôi âm thầm quan sát và ghi lại những hình ảnh về cây sung cổ thụ, tò mò một cách ngưỡng mộ, suốt một thời gian dài xuân, hạ, thu, đông…











Nghe đâu, từ những năm 1960, cây sung này, đã hiện hữu, còn non tơ lắm, gần đình làng Đồng Hải, một ngôi đình cổ của Thị xã Đồng Hới, nay đã bị chiến tranh huỷ hoại . Trải bao tang điền thương hải, cộng với truyền thống dân gian về niềm vui và hạnh phúc, với ý niệm phật giáo về một cây Ưu Đàm, cây Vô Ưu linh thiêng và may mắn, đã khiến Ruchung tôi tin rằng, mình đang hàng ngày được diện kiến một báu vật sống của quê hương: Cây sung Đồng Hới.

Theo quan niệm dân gian, cây sung mang ý nghĩa văn hóa-tâm linh, biểu tượng của sự no đủ, tốt lành, nên người Việt nam ta cũng như người Quảng Bình, Đồng Hới rất thích trồng cây sung làm cảnh và chưng quả sung lên bàn thờ tổ tiên để cầu may mắn, đặng tìm kiếm niềm vui và hạnh phúc, ít nhất là trong hoài bão, trong đời sống tín ngưỡng dân gian. Theo đó, trong nghệ thuật cây cảnh, cây sung được dân gian đặt đứng hàng đầu trong bộ tam đa: Phúc (sung), lộc (lộc vừng) và Thọ (đa), thường chưng nơi trang trọng trong vườn nhà. Trên mâm ngũ quả đầu năm của mỗi gia đình, bao giờ cũng có thêm một chùm sung đỏ mọng thể hiện sự sung túc, được coi là vật linh không thể thiếu.









Các tôn giáo, hơn thế, còn đặt cây sung lên hàng thần thánh. Phật giáo gọi cây sung là cây Ưu Đàm và coi đây là loại cây thiêng (linh thụ), đáng để tôn thờ. Theo kinh Phật, cây thiêng Ưu Đàm cứ mỗi ba ngàn năm mới nở hoa một lần, đó là một điềm lành báo hiệu Đức Phật ra đời hay bậc Luân Vương xuất thế (Pháp Hoa văn cú). Do vậy, hoa Ưu Đàm được gọi là Linh hoa thụy (hoa điềm linh), thường ẩn dụ cho sự kiện xuất thế của Đức Thế Tôn trong văn học Phật giáo.Còn Ấn Độ giáo lại gọi cây sung là cây Vô Ưu, bởi theo truyền thuyết thì Thái Tử Tất Đạt Đa sinh ra dưới cây sung ( Adu-ca) trong vườn Lâm Tì Ni, và mẹ con Ngài được an ổn nên cây này được gọi là cây Vô Ưu (điềm lành). Trong Kinh Vệ Đà cây sung được coi là cây có tính chất bùa ngải, là phương tiện để đạt được sự thịnh vượng và đánh bại kẻ thù… Như vậy, từ dân gian, phật giáo, đến Ấn giáo; từ Việt Nam đến các miền địa lý khác nhau trong xa xưa đều nhất loạt dành cho cây sung một thái độ tín ngưỡng, tôn thờ đúng mực.









Ngoài hình ảnh cây sung-biểu tượng của người xưa trao truyền lại như muôn vàn cây sung khác, cây sung Đồng Hới ngoài ra còn một phân thân nữa, riêng có: một cây sung vật chất đầy bất khuất ,trải bao binh lửa can qua mà vẫn đứng vững, tươi tốt cho đến hôm nay, để đánh thức tâm cảm của Ruchung tôi và biết bao người khác! ….






Lấy cảm hứng từ những bức ảnh về cây sung Đồng Hới của Ruchung tôi và từ lời phát biểu của bà ngoại trưởng Mỹ C. Rice: "Việt Nam nơi có sức sống mãnh liệt nhất mà tôi từng đến”, một người bạn vong niên cùng đi bộ theo nhịp hải hà với Ruchung tôi đã xuất thần viết nên một thiên tùy bút chính trị đăng trên báo điện tử Vietnamnet ngày 30/11/2006: “ Trong chiến tranh, thành phố Đồng Hới bị đạn bom san bằng…cây cỏ cũng bị tuyệt diệt. Nhưng không hiểu phép lạ nào phù hộ cho cây sung vẫn sống. Và lạ hơn, năm nào nó cũng cho quả sai hơn bất cứ cây sung nào. Người Đồng Hới xem cây sung như một chứng tích lịch sử, một người bạn thuỷ chung có sức sống thiêng liêng và mãnh liệt. Hình như nó cũng như người, biết nén đau thương của quá khứ để hướng đến tương lai phồn thịnh và phát triển.”









Thêm một minh chứng khác về tâm cảm của người đời với cây sung Đồng Hới: sau chiến tranh, thành phố hồi sinh, một cựu dân Đồng Hới đã mãnh liệt bảo vệ cây sung bi tráng này một cách hoàn hảo, tránh bị chặt hạ, do quy hoạch. Mới đây, hay tin cựu dân này đã thành người thiên cổ. Hẳn cây sung Đồng Hới đang ngày ngày gửi hương cho gió ru ông ở chốn Ưu Đàm, Vô Ưu nào đó, vĩnh hằng.

Nối truyền thống đến ngày nay thì Cây sung Đồng Hới quả là một biểu tượng sống động của niềm vui, điềm lành và sự bất khuất, đang trầm tĩnh phát tiết tinh anh của mình với tư cách một báu vật sống của quê hương. Bây giờ, tập thành lại những bức ảnh về cây sung Đồng Hới mình đã từng chụp Ruchung tôi mới nghiệm thấm một điều: cây cũng như người, khao khát sống, khao khát dâng hiến, và cũng không quên khao khát phô diễn. Ruchung tôi từng thấy, thành phố Đồng Hới sau chiến tranh không phải không còn những cây xanh sống sót oanh liệt như cây sung, nay đã thành cổ thụ, ngấm đầy cổ tích. Nên ghi chép, kê cứu và "lên" kế hoach bảo vệ, chăm sóc đặc biệt , để bảo tồn có hiệu quả những lão thụ, những chứng tích sinh thể (có thể có linh hồn?), những biểu tượng sông hiếm hoi này , trong đó có cây sung Đồng Hới, như chúng ta đã từng bảo tồn những di tích vật thể khác.









Đến đây, trong Ruchung tôi bỗng vang lên âm giai đồng cảm tuyệt đẹp của một ca khúc thấm đẫm chất thiền của nhạc sỹ tài hoa Trần Long Ẩn: Một đời người, một rừng cây:

Khi nghĩ về một đời người
Tôi thường nhớ về rừng cây.
Khi nghĩ về một rừng cây
Tôi thường nhớ về nhiều người…


Cây sung Đồng Hới, với Ruchung tôi, còn hơn thế nữa…



















  • Tử Đinh Hương
    Qua nhà anh được đọc một bài viết hay và những bức hình thật đẹp về cây sung huyền thoại, gắn bó với mảnh đất Quảng Bình bất khuất, cảm ơn anh!
  • .

    • Dec 1, 2011 3:52 PM
    Căn cứ vào những lý giãi của Ruchung, căn cứ vào trí nhớ cuả NDM và qua xác minh một số nhân chứng hiện nay đang sống ở Cộn thì : Nhà Bác Xạ Ly, sát vách tường đình làng Đồng Hải cách một con đường là chùa Ông Bang cũng là trường tiểu học Hoa kiều , Nhà Bác Xạ có một cái giếng nước trong và rất mát,  cạnh cái giếng là cây sung.Cây sung này, có từ trước năm 1960 . vì khi bọn mình học lớp 4 thì học ở Đình Làng này và cây sung này đã lớn rối... và Không đói lòng nhưng vẫn cắn trái sung xanh, mà sung chín đỏ mềm thì ăn vẫn tốt. Mỗi khi đá bóng ở Đình Làng hoặc sân chùa Ông Bang , tụi con nít xóm Câu thường mặc xà lỏn qua đó dội mấy gàu nước mát , nhai mấy trái sung, và tiện thể ngắt một chùm về... chấm ruốc. Bác Xạ thì đã thành người thiên cổ lâu rồi nhưng  anh Danh và thằng Diệm (học Chung 9A với tụi mình) con Bác Xạ thì còn ở Cộn. Anh Danh ,nghe đâu vẫn còn mấy tấm hình chụp cây sung và căn nhà.
  • Thọ Lộc
    Lâu lắm mới có dịp gặp lại cây sung già Đồng Hới. Cây sung của thời trẻ con chạy xe rè và của thời đã về già mắt mờ chân chậm. Chào anh Ruchung. Thứ 5 ngày 17-11 này tôi xin nghỉ phép về thăm ba mạ tôi và thăm quê. Tôi sẽ đi chuyến 10g,  ngày 21-11 sẽ khứ hồi vô lại Sg. Về chuyến này vậy là cũng dài ngày, tôi rất mong có 1 dịp được hàn huyên cùng anh và các bạn khóa mình tại Đồng Hới. Nếu thu xếp được anh gọi vô đt thông báo cho TL biết nhé. Cảm ơn Ruchung.
  • Nguoiconcuanui
    Xung quê mình cũng nhiều. Cây sung bên tượng đài mẹ Suốt bên bến Nhật Lệ  Vượt qua bom đạn, chắc sẽ linh thiêng lắm.
    • ruchung
      (Empty)
  • Như Tâm
    Như Tâm có vài người bạn quê Quảng Bình. Sẽ xin chuyển bài và hình của RUCHUNG cho mấy bạn của Như Tâm, được không? Hình đẹp quá chừng!
    • ruchung
      Bạn cứ tự nhiên chuyển bài đi. Không gì vui hơn khi quê hương, tổ quốc mình được quảng bá. Cám ơn bạn.  
  • mp
    • mp
    • Nov 10, 2011 9:15 AM
    Con thuyền, dòng sông và chùm quả ngọt này là hình ảnh quê hương thân thương của mỗi người , đẹp quá  anh ơi
    • ruchung
      (Empty)
  • Giáng Hương
    Bài ký sự của ruchung  thật hay .  Tối vui vẻ và ấm áp nhé !
    • ruchung
      (Empty)
  • Trở về vùng đất lửa
    Hình như có một người Đồng Hới yêu quý cây sung Đồng Hới đã tạm biệt cây sung Đồng Hới để hành phương Nam.
    Ngày càng nhiều người Đồng Hới hành phương Nam, công cuộc Nam tiến của người Việt vẫn tiếp tục.
    Và, cũng  nhiều người Quảng Bình  đang Bắc tiến.
     Bác Ruchung ơi ! Không biết có đúng thế không ?
    • ruchung
      Người ấy rời Đồng Hới theo lẽ tự nhiên, Bác vucquanh ạ. Cây sung Đồng Hới, cũng như người, sẽ lưu luyến với bất kỳ ai nặng lòng với quê hương. Ruc..
  • Bà Tám
    Ruchung chụp ảnh điêu luyện quá. Bái phục.
    • ruchung
      Cám ơn Vua Lì   nhé. Nhưng mà...
  • Moment
    Ảnh tuyệt quá,Cây sung gắn bó với tuổi thơ em ,giờ lớn rồi mà vẫn thích ăn sung muối.
    • ruchung
      Rất nhiều thứ khi ta lớn rồi mà vẫn thích. TÒ HE
  • Sóc Tím
    Quá đẹp và đầy sức sống! Cho tôi càng yêu mến Quảng Bình hơn!
    • ruchung
      QUẢNG BÌNH QUAN.
  • Poll
    • Poll
    • Nov 7, 2011 5:03 PM
    Ruchung là người Qủang Bình sao? Dân Bắc chúng tôi lại coi rẻ cây sung vì "Đói thì ăn trái cây sung. Chồng một thì lấy chồng chung thì đừng...?' Tuy nhiên Poll tôi lại rất thích sung/ Oử Hymalaya, cây sung rất cằn cỗi và quả cũng chỉ nhỏ như đầu ngón tay. Tuy nhiên Poll  tôi ngày ấy là Bát Nhã, đã từng ăn quả sung để sống tới hôm nay. Dù sao thì sung với Poll là một kỉ niệm để đời. Cám ơn anh lại nhắc Poll về một cây sung (Đồng Hới) Việt Nam. Quý mến!
    • ruchung
      (Empty)
  • Minh
    • Minh
    • Nov 7, 2011 2:08 PM
    (Empty)
    • ruchung
      (Empty)
  • MAISONTU
    Tuyệt vời...
    • ruchung
      (Empty)
  • .

    • Nov 6, 2011 3:40 PM
    Ảnh quá đẹp,  bài viết quá hay . Chứng tỏ tác giả đã có trách nhiệm cao trong quá trình tìm hiểu và sáng tạo để giới thiệu kỷ vật thiêng liêng có giá trị tinh thần cho những ai  mến yêu quê hương Đồng Hới. Nếu chấm điểm thì tôi cho điểm 10  . Nhưng tôi chỉ cho 8 điểm  còn 2 diểm thì giử lại chờ bài tiếp theo của Ruchung 
    • ruchung
      NguyenDoanManh là "ai" mà xem ra ảnh hưởng Hồ Phòng khá nặng!. Bổ sung thêm một kỷ niệm nao lòng nữa coi có lấy nốt được 2 điểm còn lại từ NguyenDoanManh ở đây, hôm nay được không! CHỨNG TÍCH CHIẾN TRANH NHÀ THỜ TAM TOÀ
  • Private comment
  • Private comment

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Bạn có thể dùng thẻ sau để:
- Post hình : [img] link hình [/img]
- Post video: [youtube] link youtube [/youtube]