Trang

Chủ Nhật, 22 tháng 2, 2015

NHẬT KÝ RÊU PHONG



Điều đã mất mà Ruchung tôi từng chứng kiến và kể ra dưới đây, quả tình chẳng có gì là to tát cả. Đã có lúc Ruchung tôi cho rằng đó chỉ là sự thường hằng sinh – trụ - hoại – thành của thế giới tự nhiên ở cõi ta bà này mà thôi. Có gì đáng kể đâu, một cảnh quan thiên nhiên nhỏ bé ở một góc rừng! Tuy nhiên, theo thời gian, chẳng hiểu sao trong Ruchung tôi ngày càng dấy lên những hoài nghi về sự “an nhiên” của mình trước việc đột ngột biến mất của một sinh cảnh nhỏ bé mà Ruchung tôi từng chứng kiến từ nhiều năm trước, khiến Ruchung tôi phải lật lại những trang nhật ký rêu phong bằng hình ảnh của mình để chiêm nghiệm về một khoảnh khắc tự nhiên sinh động nay chỉ còn trong ký ức...
Ngày 02-7-2008: Đó là một nhóm cây sếu sinh trưởng và phát triển thành cổ thụ, tọa lạc yên bình hàng trăm năm nay ven bờ suối Nước Cái thuộc thôn Tiến Hóa, xã hượng Hóa, huyện Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình.


Ảnh 1: Nhóm cây sếu cổ thụ ven suối Nước Cái, trên đường vào bản  tộc người Rục (chụp ngày 02-7-2008)

 Ruchung tôi không có tuổi thơ ở đây, nhưng đến nay tôi vẫn nhớ như in cảm xúc của mình trước một cảnh quan thiên nhiên trong lành và yên bình, một chốn dừng chân lãng mạn và trữ tình. Đó là một ngày mùa hè bỏng rát miền Trung , khi chúng tôi trên đường vào bản Ón, vùng cư trú của đồng bào tộc người Rục để thực thi nhiệm vụ. Đường Trường Sơn mặc dù đang xuyên qua các cánh rừng thường xanh trên hệ núi đá vôi Phong Nha – Kẻ Bàng , nhưng vẫn hầm hập phả lên mùi nhựa đường và hơi nóng dưới ánh mặt trời. Đến đoạn đường đất, ngả rẽ vào bản Ón, bất chợt hiện ra trước mắt chúng tôi một con suối nhỏ, suối Nước Cái và nhóm các cây sếu cổ thụ ở phía hạ lưu. Chỉ mới nhìn cảnh quan thiên nhiên này thôi, Ruchung tôi như đã được thưởng thức một ly nước đá ngấm đến từng chân tơ, kẽ tóc. Chúng tôi lập tức dừng xe, ùa xuống dòng suối dưới bóng râm xanh rì của những cây sếu, tận hưởng những ân huệ trực tiếp, nhỏ thôi, mà thiên nhiên hiến tặng cho mình thật đúng lúc, đúng chỗ, chẳng còn gì hơn thế!
Một chiếc cầu treo mảnh mai trên không trung, một mảng lúa vàng, một nếp nhà, một dãy lèn đá, một bầu trời, theo luật gần xa , hiện ra sau tiền cảnh là vòm xanh của những cây sếu và mặt suối Nước Cái lững lờ trôi xuôi đã trở thành một khoảnh khắc ân huệ khắc ghi vào ống kính của Ruchung tôi, đóng đinh vào tâm trí của Ruchung tôi …
 Ngày 12-11-2008: Bốn tháng sau trở lại suối Nước Cái, Ruchung tôi không tin vào mắt mình nữa khi những cây sếu bỗng dưng bị sụp đổ hoàn toàn bởi một trận lụt khủng khiếp trước đó vài ngày.




Ảnh 2: Nhóm cây sếu ven suối Nước Cái, trên đường vào bản tộc người Rục đã bị nước lũ quét đổ toàn bộ (chụp ngày 12-11-2008)

 Khoảnh khắc đang còn tươi mới Ruchung tôi ghi được cách đây chưa lâu bỗng chốc trở thành dĩ vãng. Những cây sếu hiên ngang là thế, từng gieo vào tôi niềm vui, niềm tin về sự an lành lại trở nên quá mong manh trước biến động bất ngờ của tự nhiên. Sự thật này đã làm đổ vỡ đến tận cùng giấc mơ lãng mạn của tôi. Bốn tháng trước, khi đứng dưới bóng mát chở che của nhóm những cây sếu cổ thụ này, Ruchung tôi liên tưởng đến những quần thể cây gáo bên bờ suối, quần thể cây bách xanh trên núi đá sống thành tập đoàn rộng lớn, đã tạo nên sự độc đáo về sự đa dạng sinh học của vùng rừng đá vôi Phong Nha – Kẻ Bàng nơi đây. Nhóm những cây sếu cổ thụ này, với môi sinh thuận lợi, biết đâu theo thời gian cũng sẽ sinh trưởng và phát triển thành một quần thể rộng lớn dọc bờ suối Nước Cái, dang tay bảo vệ, duy trì các tầng sinh thái bên dưới, bảo vệ và nuôi dưỡng các thủy sinh trong lòng suối, chống xói lở đất, cung cấp cho con người một cảnh quan môi trường sinh động... Đó là điều cần mong chờ và hy vọng ở nhóm những cây sếu này, vì gỗ của chúng không có nhiều giá trị kinh tế. Nhưng mọi thứ dường như đã chấm hết. Hình ảnh có thể duy nhất một mình tôi có về những cây sếu bên suối Nước Cái đã trở thành quá khứ, nói đúng hơn là đã mất ! Có thật đây thuần túy chỉ là sự thường hằng của tự nhiên? Liệu con người có vô can trước sự bức tử những cây sếu hiền hòa này, Ruchung tôi không có bằng cớ trực tiếp, nhưng những hành vi phá rừng đầu nguồn, hủy hoại môi trường sống của con người ngày càng gia tăng, khiến tự nhiên phải đáp trả bằng sự biến đổi khí hậu khốc liệt từ vĩ mô đến vi mô, là điều mà mỗi chúng ta đã từng thấu hiểu và nếm trải.
Ngày 16/10/2011: Khi không còn thảm thực vật cản trở hai bên bờ suối Nước Cái, dòng nước trở nên hung hãn và phóng túng một cách dễ dàng.
 




Ảnh 3:  Nhóm cây sếu ven suối Nước Cái và thảm thực vật ven suối, trên đường vào bản  tộc người Rục không còn vết tích. Cảnh quan bị tàn phá nặng nề (chụp ngày 16/10/2011)

Điểm đứng của Ruchung tôi những năm trước nay đã chìm sâu dưới dòng nước. Ruchung tôi buộc phải lùi lại vài chục mét nữa và lúc này, ở viễn cảnh, ngoài nếp nhà xưa đang run rẩy trước sự đe dọa của nước lũ, ngoài dãy lèn đá vẫn uy nghi nhưng bất lực, còn có thêm những kiến trúc ở trung cảnh và cận cảnh bị nhấn chìm và hủy hoại. Sau sự gục ngã của những cây sếu năm xưa, sự mất mát ngày càng to lớn và dường như không có điểm dừng do dòng suối triển nở đến không ngờ. Sức mạnh của tự nhiên là có thật và hết sức dữ dội , cần phải được tôn trọng. Điều này, thực ra ông cha ta đã từng nói đến và thực hiện từ lâu, trong tục ngữ dân gian: uống nước nhớ nguồn, một cây to một kho nước… Ngoài ra, người xưa còn quy định nhiều khu rừng thiêng, rừng cấm, sử dụng nhiều luật tục, hương ước  và cả những huyền thoại để ngăn cản, chế tài cá nhân, cộng đồng có hành vi phá hủy rừng, thậm chí có hành vi  gây xú uế rừng…Từ xưa, theo cách riêng của mình, đạo Phật cũng đề cao lòng từ bi đối với loài vật và cây cỏ, sống hài hòa với thiên nhiên , theo nếp sống của Đức Phật.
Điều đã mất bên bờ suối Nước Cái kia, tưởng như bé mọn, không ngờ, theo thời gian lại mang ý nghĩa đại diện thật sâu sắc.
Những mất mát và hao mòn của môi trường sinh thái hiện nay về số lượng phần nào đã được thống kê, đo đếm và đánh giá qua các đánh giá tác động môi trường hàng năm, song những thiệt hại về chất lượng của nó thật là khó lượng hóa được, và đó mới là những mất đáng kể nhất. Bởi vì, làm sao có thể tính toán hết được những ảnh hưởng tiêu cực chắc chắn là có của môi trường suy thoái, ô nhiễm đối với sức khỏe con người, với năng suất, chất lượng các sản phẩm nông nghiệp,công nghiệp, với các công trình lịch sử văn hóa..., là những chỉ số của sự phát triển. Sự suy thoái, ô nhiễm môi trường đang hàng ngày, hàng giờ tác động vào tự nhiên, xã hội lẫn con người, ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển, nhưng đến nay vẫn chưa thể kiểm soát. Nguyên nhân của sự ô nhiễm, suy thoái môi trường là do hậu quả của những quan niệm sai lầm trước đây của con người với tự nhiên, coi tự nhiên là đối tượng để khai thác, là thùng rác khổng lồ và do đó con người không có ý thức bảo vệ tự nhiên một cách hồn nhiên
Giở lại những trang nhật ký rêu phong bằng hình ảnh của mình, thoạt đầu Ruchung tôi chỉ thấy ở đó những kỷ niệm tản mác về những chuyến đi. Nhưng khi đặt nó cạnh nhau, theo thời gian bỗng thấy nó như còn tươi mới, đẫm chất thời sự. Nó mang đến cho chúng ta một thông điệp cần khẩn cấp bảo vệ lấy môi trường sống bằng mọi biện pháp tích cực, trong đó ý thức và sự ứng xử thân thiện, sự ứng xử tử tế của con người với tự nhiên là vô cùng quan trọng.




4 nhận xét:

  1. Một bài "phóng sự" bằng ảnh thật tuyệt chú ạ! Những lời bình cũng tuyệt vời chú ạ!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Một mình cháu để lại dấu vết.Như thế cũng là đã quá nhiều. Cám ơn cháu.

      Xóa
  2. Cảm ơn Ruchung đã ghi lại những hình ảnh về quê hương tuyệt đẹp và những lời văn tuyệt vời.
    Thương quá quê mình gông mình vì bão lũ

    3200
    BÃO TRỘN
    Phạm Bá Chiểu

    Như sóng gầm không biết ngủ trong anh
    Nhớ quê nghèo đến gầy nhom hạt thóc
    Mưa quấy nhão mặt đường em đến lớp
    Nhuộm dòng xanh trắng cá chết mùa đông

    Nắng vừa bung rạch chằng chịt mặt đồng
    Lũ đã đến dìm sâu trong đáy nước
    Đông kịp tới tước trụi trơ vườn tược
    Cây khoả thân hứng gió quất lạnh lùng

    Gục vai anh, em khóc nhớ miền Trung
    Tin bão tố xé quê mình điên đảo
    Để lòng anh tơi bời hai cơn bão
    Bão quê mình trộn bão tố tình anh

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Tháng giêng, tháng hai,

      Tháng ba, tháng bốn,

      Tháng khốn, tháng nạn

      Đi vay đi dạm

      Được một quan tiền

      Ra chợ Kẻ Diên

      Mua con gà mái

      Về nuôi hắn đẻ ra mười trứng

      Một trứng: ung

      Hai trứng: ung

      Ba trứng: ung

      Bốn trứng: ung

      Năm trứng: ung

      Sáu trứng: ung

      Bảy trứng: ung

      Còn ba trứng nở ra ba con:

      Con: diều tha

      Con: quạ bắt

      Con: mặt cắt xơi

      Chớ than phận khó ai ơi

      Còn da lông mọc, còn chồi nảy cây…

      (Ca dao miền Trung quê choa bạn ạ)

      Xóa

Bạn có thể dùng thẻ sau để:
- Post hình : [img] link hình [/img]
- Post video: [youtube] link youtube [/youtube]